Với tiềm lực tài chính khổng lồ, Apple đã không tiếc công sức và tiền bạc để bảo vệ nhãn hiệu trái táo của mình, bất kể có vụ được xem là vi phạm lại không liên quan gì đến trái táo cả.
The New York Times, trích dẫn thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Tech Transparency Project, cho biết từ 2019 – 2021, Apple đã nộp đến 215 đơn kiện phản đối các vụ đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo vệ logo trái táo và cái tên Apple. Để so sánh: trong cùng thời kỳ, các đơn tương tự từ Microsoft, Amazon, Facebook và Google cộng lại cũng chỉ là 136 vụ.
Thực tế cho thấy, nhãn hiệu trái táo của Apple đang bị sử dụng để lừa đảo người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, như Việt Nam.
Trên thực tế, từ “trái táo” cũng là một cái tên xuất hiện thường xuyên trong đăng ký nhãn hiệu, nên Apple phải ra sức bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, Apple đôi khi đã bảo vệ quá mức tài sản này, thậm chí khởi kiện cả những nơi không liên quan gì đến công nghệ hoặc sản phẩm nhỏ bé.
Không chỉ có các start-up công nghệ bé, mà đến cả những tổ chức không hề có liên quan đến công nghệ cũng rơi vào các cuộc chiến pháp lý không mong muốn. Điển hình như một trang blog thức ăn Ấn Độ; Bộ Năng lượng Mỹ; một học khu ở Appleton, Wisconsin.
Với các tổ chức bị kiện, đây không phải là một lựa chọn dễ dàng, đặc biệt là với những nhãn hiệu đã kinh doanh gần 10 năm trời, ví dụ như ban nhạc Candy Apple Blue và Franki Pineaple.
Nhận định với The New York Times, Christine Farley, một giáo sư trường luật, nói cách hành xử của Apple chính là kiểu ỷ mạnh hiếp yếu, không cần thiết nếu chỉ nhằm bảo vệ Apple khỏi sự nhầm lẫn của người dùng.
Điều đáng nói là Apple kiện cả những đơn vị đã đăng ký và đã được Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu cấp quyền bảo hộ. Họ lập luận “nhãn hiệu Apple là quá nổi tiếng và được nhận biết ngay” nên các nhãn hiệu [tương tự] khác sẽ làm yếu đi thương hiệu của Apple hay làm cho “người tiêu dùng bình thường tin rằng chúng có liên quan, là một thành viên hay được bảo chứng bởi Apple”.
Điều đáng buồn hơn cả, chiến lược này của Apple đang có hiệu quả. Từ năm 2019 đến 2021, có 31 đơn vị, chiếm 17% trong tổng số các đơn vị mà Apple khiếu kiện, đã rút lại đơn đăng ký nhãn hiệu của họ. Thêm 127 đơn vị, tức 59%, không hồi đáp các lập luận của Apple, tức im lặng chịu thua.
Một trong những lý do rõ ràng nhất cho sự hiệu quả này là sự chênh lệch về tài chính. Chi phí trung bình để thuê luật sư cho một vụ tranh chấp tại Tòa ở Mỹ là $100.000, thậm chí có thể lên đến $164.000, theo như Hiệp hội Luật sư Sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Với thương hiệu có trị giá 2000 tỷ đô-la, số tiền đó không là gì, nhưng với các start-up, thậm chí các công ty trung bình, chi phí đó là quá đắt đỏ. Một luật sư Sở hữu trí tuệ so sánh chiến lược này của Apple với chiến lược “tiêu thổ” trong quân sự, với mục tiêu lùng sục từng nhãn hiệu có hình trái cây trên Hoa Kỳ.
Nguồn: Báo The New York Times (tựa đề gốc: Apps and Oranges: Behind Apple’s ‘Bullying’ on Trademarks) và Báo Tuổi trẻ cuối tuần