• 0974.922.332
  • contact@tuephong.com.vn

Câu chuyện đặt tên nhãn hiệu về mặt pháp lý

24/11/2022 - 03:54
274 views

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất phổ biến pháp luật, chứ không đóng vai trò là một lời khuyên pháp lý chính thức của Công ty Tuệ Phong.

Nhãn hiệu là hình ảnh đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc với sản phẩm, và cũng là hình ảnh đầu tiên khách hàng liên hệ tới mỗi khi có những sự việc gì liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, qua thực tiễn hành nghề, chúng tôi thấy các doanh nghiệp thường đặt tên nhãn hiệu một cách không hiệu quả về mặt pháp lý, dẫn đến việc không được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận.

Do đó, chúng tôi muốn phổ biến các quy định pháp luật về vấn đề này, để giúp các doanh nghiệp có thể đưa ra những cái tên không chỉ hay, mà còn có thể đăng ký với các cơ quan nhà nước.

Định nghĩa pháp lý của một nhãn hiệu

Quy định Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay quy định để một nhãn hiệu được bảo hộ cần đáp ứng 2 điều kiện sau:

Dấu hiệu nhìn thấy được: Dấu hiệu dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều (không nhiều doanh nghiệp mặn mà lắm) hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Tuy nhiên, bài viết hôm nay sẽ tập trung vào phần chữ của nhãn hiệu.

Có khả năng phân biệt: Điều kiện vô cùng quan trọng, vì qua đây Cục sẽ đối chiếu nhãn hiệu này với các nhãn hiệu của hàng hóa, dịch vụ mà được đăng ký cùng.

Đây cũng thường là bước mà các doanh nghiệp không vượt qua được nhất, vì nhãn hiệu không có đủ khả năng phân biệt.

Một số nhãn hiệu đã công bố có cụm từ “Cha”

Các trường hợp loại trừ ngay lập tức

Trước khi một nhãn hiệu được thẩm định sâu, trước hết nhãn hiệu đó phải được đối chiếu với các quy định loại trừ, mà trong đó, các tên nhãn hiệu sẽ bị loại trừ ngay lập tức nếu rơi vào các trường hợp này.

Danh sách này bao gồm các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:

  1. Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài. 
  2. Làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ. (ví dụ như nhãn hiệu Cà phê Paris nhưng lại được làm ở Việt Nam)

 

Các tiêu chỉ để xác định khả năng phân biệt

Như đã nói ở trên, khả năng phân biệt đóng vai trò rất quan trọng trong việc Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hay từ chối một nhãn hiệu. Do đó, luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rất rõ về các tiêu chí để xác định khả năng phân biệt mà doanh nghiệp cần nắm rõ

  1. Nhãn hiệu dễ phân biệt, dễ ghi nhớ

Trước tiên, nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ các yếu tố dễ phân biệt, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố tạo thành dễ nhận biết, dễ ghi nhớ (ví dụ như An Nam, và không phải như: Swwjfsu).

Quan trọng hơn cả, nhãn hiệu không nằm trong danh sách 14 trường hợp luật định, được chia thành các nhóm trường hợp sau:

  1. Các nhóm trường hợp loại trừ

1) Tên nhãn hiệu bắt nguồn từ một ngôn ngữ không thông dụng ở Việt Nam (ví dụ như tiếng Ả Rập, tiếng Nga, tiếng Thái Lan, tiếng Trung Quốc, v.v. là một số ví dụ ở Việt Nam)

Thế nhưng tại sao các nhãn hiệu như Gong Cha, có cả tiếng Hán và tiếng Việt, vẫn xuất hiện tại Việt Nam mà lại viết bằng tiếng Trung?

Chính là vì nhãn hiệu đó được bảo hộ tổng thể, tức phần tiếng Hán và tiếng Việt phải đi cùng nhau khi sử dụng nhãn hiệu này, chữ phần chữ tiếng Hán không được bảo hộ riêng. Đây cũng là một trong các trường hợp đặc biệt sẽ được nói ở phần sau

Lưu ý của Cục Sở hữu Trí tuệ về đối tượng bảo hộ của nhãn hiệu “Gong Cha”

2) Nhãn hiệu mang tính mô tả về sản phẩm, hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh, v.v

(ví dụ, một nhãn hiệu không thể có tên là “Công ty TNHH/Một thành viên/Cổ phần X)

 

3) Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một sản phẩm cùng lĩnh vực kinh doanh, tên thương mại, sản phẩm nổi tiếng (Bạn có tham khảo một số ví dụ không nên làm theo tại đây)

 

Một ví dụ về nhãn hiệu trùng đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu quần áo North Face

4) Tên nhãn hiệu dùng để mô tả vị trí địa lý của một khu vực mà không được cấp chỉ dẫn địa lý của khu vực đó

Hình ảnh chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị sử dụng trái phép ở Trung Quốc

Trường hợp đặc biệt

Các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước thời điểm đăng ký;

Câu Slogan của hãng Apple, được sử dụng lâu dài trước khi được đăng ký tại Việt Nam

– Đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước khi đăng ký

Nhãn hiệu Apple được bảo hộ do đã đạt được khả năng phân biệt, dù về mặt từ ngữ khá giản đơn.

– Kết hợp với phần hình để tạo nên một tổng thể có khả năng phân biệt cao

Nhãn hiệu của nhà hàng nổi tiếng Burger King. Bản thân dòng chữ mang tính mô tả, nhưng do sự kết hợp với phần hình nên tạo nên được khả năng phân biệt.

– Được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận

Một số nhãn hiệu tập thể của Việt Nam

Nhãn hiệu nổi tiếng

Trong một số quy định, các nhãn hiệu có thể bị từ chối nếu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng. Để xác định thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng, các nhà làm luật đã đưa ra các tiêu chí sau để xem xét

  1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến Viglacera là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam không ai là không biết nhưng chỉ là nổi tiếng ở Việt Nam thôi, còn ở thị trường nước ngoài thì chưa có danh tiếng đáng kể. Do đó thương hiệu này có thể được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.[1]

Lời kết

Trên đây là một số quy định về tên của nhãn hiệu theo luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Để đăng ký một nhãn hiệu thành công thì không chỉ cần một cái tên hay, một hình ảnh nổi bật, mà còn tuân theo những quy định pháp lý hiện hành.

Để được các chuyên gia giúp đỡ về những vấn đề này, hãy liên lạc với số điện thoại của chúng tôi ở trang web này, và nhận được sự giúp đỡ từ chuyên gia.

 

[1] https://investone-law.com/nhan-hieu-noi-tieng-la-gi.htmlhttps://investone-law.com/nhan-hieu-noi-tieng-la-gi.html