Phở Thìn là thương hiệu vô cùng quen thuộc đối với những tín đồ phở Hà Nội, với hai món trứ danh là Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn Lò Đúc. Nhưng không nhiều người biết đây là hai thương hiệu “Phở Thìn” khác nhau, của hai chủ sở hữu khác nhau và hoàn toàn không có mối liên hệ với nhau.
Lược lại lịch sử về nguồn gốc và sự phát triển, hai thương hiệu Phở Thìn đều có câu chuyện riêng của mình. Quá trình đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu PHỞ THÌN (sau đây ghi Phở Thìn) cũng là cuộc cạnh tranh thú vị của hai thương hiệu này.
Phở Thìn Bờ Hồ
Thương hiệu “Phở Thìn” đầu tiên ra đời năm 1955 do ông chủ Bùi Trí Thìn mở tại số 61 phố Đinh Tiên Hoàng – trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, nên còn được gọi là Phở Thìn Bờ Hồ. Ý thức việc bảo hộ thương hiệu lâu đời, gia đình ông Bùi Trí Thìn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43) tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam từ năm 2003.
Sau khi hết thời hạn trên, gia định ông Bùi Trí Thìn tiếp tục đăng ký gia hạn bảo hộ cho nhãn hiệu này, và với quy định cho phép nhãn hiệu có thể gia hạn hiệu lực không giới hạn số lần, nhãn hiệu này tiếp tục được bảo hộ cho đến hiện nay.
Phở Thìn Lò Đúc
Ra đời sau 24 năm – vào cuối năm 1979 là thương hiệu Phở Thìn thứ hai do ông chủ Nguyễn Trọng Thìn gây dựng tại địa chỉ số 13 Lò Đúc.
Mang bản sắc và hương vị rất riêng biệt so với các loại phở bò trước đó, trải qua quá trình gây dựng và phát triển thương hiệu, Phở Thìn Lò Đúc đã mở rộng thêm một số cơ sở kinh doanh ở trong nước và cả ở Nhật Bản và Úc.
Tuy nhiên, việc đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu của họ gặp nhiều khó khăn do xuất phát sau trong cuộc cạnh tranh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bất kể việc chủ sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn Lò Đúc bảo hộ mẫu nhãn hiệu Phở Thìn với phạm vi rộng, lên đến 7 nhóm và 67 sản phẩm.
Thực tế ghi nhận rằng, sau khi nhãn hiệu Phở Thìn được cấp cho gia đình ông Bùi Trí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ), cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ mẫu nhãn hiệu nào chứa dấu hiệu “Phở Thìn” được cấp, bao gồm cả đăng ký cho nhóm sản phẩm, dịch vụ khác với dịch vụ nhà hàng ăn uống và món phở.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp
Thứ nhất, tốc độ.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước, vì vậy, đừng chờ đợi đến khi thương hiệu kinh doanh của bạn phát triển rồi mới tính chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bởi rất có thể lúc đó đã có những bên khác đăng ký trước mất rồi.
Thứ hai, bảo vệ
Đối với các doanh nghiệp đã gây dựng và phát triển thương hiệu lâu đời, đã được bảo hộ pháp lý đối với thương hiệu kinh doanh, vẫn cần tiếp tục bảo vệ thương hiệu của mình, giám sát và ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép, ngang nhiên, đại trà của bên thứ ba – việc mà có thể khiến cho nhãn hiệu mất đi tính phân biệt, trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Ví dụ về một doanh nghiệp rất hào hứng, thậm chí là hơi thái quá về vấn đề này có thể kể đến là Apple.
Thứ ba, cẩn thận
việc sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của bên khác cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật SHTT Việt Nam.
Bài viết này được chỉnh sửa lại trên bài viết từ bài báo Kinh tế Sài Gòn Online. Mục đích của bài viết là đơn giản hóa các kiến thức pháp luật để phổ biến kiến thức, không nhằm mục đích thương mại. Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.