Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là lúc các lực lượng chức năng ra quân, mạnh tay xử lý vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Lộ nhiều tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng “dởm”
Triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, những tháng gần đây, ở nhiều địa phương, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất phá nhiều tụ điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nhiều khu vực như Quảng Bình, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã thu giữ được nhiều hàng hóa không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, làm giả nhãn hiệu, thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Thái Lan, tiếng Anh, tiếng Nga… gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, công tác chống hàng giả vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.
Trong đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế thực thi còn chống chéo; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao…
Cần sự chung tay
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề thời sự và chưa bao giờ hết nóng, nhất là càng vào dịp cuối năm. Bởi vậy, gần đây, tại nhiều diễn đàn, cả lực lượng chức chức, cơ quan quản lý… lẫn doanh nghiệp không khỏi “đau đầu” để tìm ra các giải pháp hữu hiệu đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này.
Mới đây, tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Tổ chức doanh nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường.
Vì vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, công tác này cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Tại Hội thảo về ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp tổ chức, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng đề nghị doanh nghiệp quan tâm hơn nữa trong việc phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả để có hướng dẫn xử lý, ngăn chặn hàng giả kịp thời, tránh các trường hợp tái phạm, thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
“Với chức năng tham mưu trong công tác này, Văn phòng Thường trực mong nhận được những ý kiến đóng góp, cũng như sự chung tay phối hợp từ các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức xã hội, nhằm đưa ra các phương án, giải pháp, công cụ hỗ trợ cho việc quản lý, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng được hiệu quả hơn. Trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay, đề nghị doanh nghiệp tích chủ động chống giả, sử dụng các giải pháp chống giả, tem chống giả… để bảo vệ thương hiệu của mình”, ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh.
Trích: Hải Quan Online
Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây