Từ nhiều năm trở lại đây, chúng ta không còn xa lạ với podcast – những nội dung âm thanh dạng số mà người dùng có thể nghe trực tiếp bất cứ lúc nào, hay tải về máy cá nhân, nhờ vào công nghệ RSS (Really Simple Syndication). Vì podcast là những nội dung mang tính sáng tạo, nên không có gì ngạc nhiên khi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng.
Giới thiệu sơ qua về Podcast
Podcast, về mặt kỹ thuật, được hiểu là những tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên internet, người dùng hoàn toàn có thể nghe và tải về trên nhiều thiết bị khác nhau (có kết nối internet) như: điện thoại, máy tính bảng, laptop… Với những người dùng, một podcast có thể được hiểu là một chương trình đàm thoại, thường là giữa 2 người trở lên về một chủ đề cụ thể nào đó. Lợi thế của nó là rất tiện lợi, bạn có thể nghe nó ở mọi lúc mọi nơi.
Thuật ngữ podcast đến từ sự kết hợp giữa “Ipod” và từ “broadcast”. Năm 2004, Adam Curry, một blogger nổi tiếng đã phát triển ứng dụng podcast đầu tiên mang tên Ipodder. Ứng dụng này cho phép người dùng tải về máy Ipod cá nhân các tệp âm thanh dạng MP3, gắn với các bài báo đăng trên blog của Adam Curry. Ngay sau đó, thuật ngữ podcast được nhà báo Ben Hammersley dùng lần đầu tiên trong một bài báo trên tờ The Guardian của Anh, và trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay, podcast đã xuất hiện ở rất nhiều ứng dụng như: Spotify, Apple, Soundcloud, YouTube, v.v.
Podcast và luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Vì podcast là những nội dung mang tính sáng tạo, nên không có gì ngạc nhiên khi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ được áp dụng. Không hiếm các vụ tranh chấp quyền SHTT đã xảy ra liên quan tới podcast, như dùng nhạc hay nội dung sáng tạo trong podcast mà không có sự cho phép của tác giả, hay sử dụng nội dung podcast mà không trích dẫn nguồn.
Không chỉ người tạo ra podcast mà cả người dùng podcast đều phải tôn trọng các quy định về bảo vệ quyền SHTT. Một số điểm sau cần phải được lưu ý:
Đối với người tạo ra podcast, nguyên tắc chính là “sáng tạo mà không vi phạm quyền SHTT”.
Podcast hiển nhiên là một loại hình phổ biến tác phẩm tới công chúng, nên cần bảo đảm rằng nội dung cung cấp trong podcast là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quyền SHTT của người khác. Ví dụ, như chúng ta đều biết, phần lớn các podcast đều có nhạc làm nền.
Tất nhiên, phần lớn người tạo podcast đều dùng nhạc có sẵn, vì vậy cần bảo đảm rằng việc sử dụng nhạc nền này không vi phạm quyền SHTT của tác giả (có thể dùng nhạc đã hết hạn bảo hộ bản quyền, nhạc phổ biến miễn phí qua Creative Commons, trích dẫn nhạc nằm trong khuôn khổ ngoại lệ “trích dẫn hợp lí”, hay được tác giả cho phép với điều kiện trích dẫn đầy đủ tên tác giả).
Bảo hộ nội dung của podcast
Phần lớn các podcast hiện nay đều là các nội dung trò chuyện, trong đó tác giả podcast trao đổi, thảo luận một vấn đề nào đó. Vì thế, câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là nội dung podcast có thể được coi là một “tác phẩm được bảo vệ bởi pháp luật về bản quyền hay không”.
Theo Luật SHTT Việt Nam, cụ thể là khoản 7 điều 4, thì tác phẩm là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Vì thế có thể hiểu rằng nếu như nội dung podcast là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hay khoa học và mang tính sáng tạo, không sao chép nội dung đã được phổ biến, thì nội dung podcast cũng sẽ được pháp luật về bản quyền bảo vệ.
Quyền của người tham gia podcast
Do đa phần các podcast thường được tạo ra bởi 2 người trở lên, đương nhiên sẽ có các đồng tác giả của podcast. Ngoài ra, bản thân podcast là một tác phẩm “ghi âm”, nên người thực hiện podcast cũng được hưởng quyền “liên quan” dành cho nhà sản xuất bản ghi âm (quy định ở điều 30) cũng như quyền tác giả tại điều 18 và 19. Trong nhiều trường hợp, người diễn đạt nội dung podcast còn có thể được công nhận quyền của “người biểu diễn”, vốn dành cho các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn được quy định tại điều 29.
Có thể nói, tuy podcast là một sản phẩm mới phát triển từ thành tựu khoa học công nghệ, điều này không khiến nó nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam và pháp luật thế giới.
Đối với người dùng Podcast
Đối với người dùng podcast, nguyên tắc chính là tôn trọng quyền SHTT của người thực hiện podcast – chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình ghi âm này. Các nội dung mang tính sáng tạo của podcast, vì thế, không thể được sao chép mà không có sự cho phép của tác giả. Tất nhiên, khi sử dụng, hay trích dẫn nội dung podcast, chúng ta cũng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, như trích dẫn tên tác giả, không được sửa đổi, bóp méo nội dung sáng tạo của tác giả như quy định tại điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổng kết
Rõ ràng là quyền SHTT là mối bận tâm lớn của các nhà sản xuất podcast. Hiện nay trên thế giới đã có một số dịch vụ cung cấp podcast chuyên sử dụng các nội dung đã hết hạn bảo vệ bản quyền, hay miễn phí qua li xăng Creative Commons. Những nội dung miễn phí bản quyền này còn được gọi tên là “podsafe” – mang nghĩa “an toàn để làm podcast”. Ở các quốc gia như Mỹ và Pháp, đã có một hệ thống li-xăng cho phép các nhà sản xuất podcast xin phép để sử dụng âm nhạc một cách nhanh chóng và hợp pháp, mà vẫn đảm bảo lợi ích cho những người sáng tạo ra những nội dung. Điều này cho thấy thế giới đã dần chuyển mình để thích ứng với loại hình đầy mới mẻ này.
Dựa trên bài viết gốc của Lê Thiên Hương – Báo Saigon Times
Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây